TRĂN TRỞ VỚI LÀN ĐIỆU HÁT PÁO DUNG

Hát Páo Dung là một nét văn hóa đặc sắc của người Dao tiền ở huyện Bạch Thông. Hát Páo Dung ra đời từ chính lao động, cuộc sống thường ngày và tình cảm tự nhiên giữa người với người, vì thế nội dung bài hát là những lời ca về tình yêu cuộc sống, tình yêu lao động, tình yêu đôi lứa và cả những nét độc đáo trong văn hóa của người Dao Tiền. Thế nhưng, hiện nay những người còn biết sáng tác, biết hát và lưu giữ được nét văn hóa đó chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, họ vẫn miệt mài trên con đường tìm kiếm lớp trẻ để trao truyền di sản nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Liệu còn bao nhiêu người nhớ và hát được những câu hát Páo Dung mang đậm nét văn hóa của người Dao Tiền. Khi mà những người hát được, sáng tác được và lưu giữ được thì mãi không tìm được người kế cận để truyền giữ một di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cứ thế bị trôi vào lãng quyên. Đã bao mùa măng rừng mọc, các nghệ nhân tâm huyết, lưu giữ được kho tàng hát Páo Dung của dân tộc Dao Tiền đã lần lượt về với đất, với trời; một phần hồn của những câu hát Páo Dung đã đi theo họ về với núi rừng. ông Bàn Văn Vình chia sẻ: “Bây giờ ông còn sống thì muốn dạy cho các cháu biết hát, các cháu mà không biết hát thì có lẽ khi chết ông không nhắm mắt được đâu.”

Ở độ tuổi gần 90 mùa măng rừng mọc, những gì mà hai vợ chồng ông Bàn Văn Vình và bà Bàn Thị Tơm, thôn Nà Hin, xã Quang Thuận đóng góp vào kho tàng di sản văn hóaphi vật thể mà người Dao Tiền gọi là hát Páo Dung là không thể cân đo, đong đếm. Người dân tộc Dao Tiền xã Quang Thuận coi ông như một Nghệ nhân, là người duy nhất còn sống biết sáng tác, biết hát và lưu giữ được nhiều bài hát Páo Dung, ông đã sáng tác được hơn 200 bài hát Páo Dung và lưu giữ được hơn 100 bài hát từ các cụ xưa để lại. Vợ ông bà Bàn Thị Tơm người đã theo ông gần như cả cuộc đời, hai con người gặp nhau cũng từ câu hát Páo Dung và từ đó nên duyên vợ chồng. Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, bà luôn là người đầu tiên hát những bài hát do ông sáng tác và cứ như thế họ coi làn điệu Páo Dung là hơi thở cuộc sống và gìn giữ cho đến hôm nay. Bà Bàn Thị Tơm cho biết: “Bà đã tập hát từ lúc 15, 16 tuổi. Tháng giêng đi chơi tết con trai, con gái gặp nhau muốn tìm hiểu nhau là cứ hát Páo Dung vui lắm.

Hát páo Dung của người Dao tiền đã được công nhân là di sản phi vật thể cấp Quốc gia năm 2020

Trong ký ức của ông Vình, bà Tơm dường như không bao giờ già cỗi, không bao giờ phai nhạt về hát Páo Dung. Chặng đường dài của cuộc sống mưu sinh và hành trình tìm kiếm những lớp thế hệ kế cận sau này để lưu giữ bản sắc dân tộc mình cả hai đều nhọc nhằn gian khó như nhau. Thế nhưng bước vào cái tuổi chân dốc cuộc đời, chặng đường mưu sinh vẫn đầy gập nghềnh gian khó đè nặng lên đôi vai. Thời gian vẫn đang tiếp diễn nơi ông, bà đang sống nhưng nhiều giá trị văn hóa làm nên nét văn hóa riêng của người Dao Tiền đã dần trôi đi vào quyên lãng. Với ông Vình là người cuối cùng biết sáng tác, biết hát và lưu giữ được hát Páo Dung trên địa bàn huyện Bạch Thông là một sự luyến tiếc và sự tuyệt vọng bởi trong kho tàng hát Páo Dung nay không còn nhiều người hát được, những người hát hay lại càng ít, không gian dành cho hát Páo Dung đã dần thu hẹp lại, không còn những hôm hát Páo Dung kéo dài cả đêm. Ông Vình đã tự mở một lớp học cho các cháu trong thôn, giảng dạy bằng nhiệt huyết, chỉ bảo cho từng đứa trẻ về kỹ năng diễn xướng, cách ứng tác thơ ca, mỗi buổi học là tất cả niềm tin về hành trình tiếp bước văn hóa của những lớp trẻ, thế nhưng kết quả lại không như ông mong muốn ông Bàn Văn Vình tâm sự: “Ông đã tự mở một lớp học cho các cháu trong làng, nhưng học được một tuần thì các cháu nghỉ hết không học nữa thế là cuộc đó tan rã rồi, buồn lắm”. Bà Bàn Thị Tơm tâm sự thêm: “Bà muốn cho con cháu học mà nó không chịu học, các cháu lớn đi lấy chồng, có con hết không ai muốn học nữa bà buồn lắm”

Đi qua mấy con suối, vượt qua hơn 20 km đi vào thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong gặp được bà Kim, bà Vình cũng là một trong số ít những người vẫn còn thuộc nhiều bài hát Páo Dung, cũng đang chất chứa nỗi niềm tâm trạng giống ông Vình, bà Tơm muốn dạy cho các con, các cháu dân tộc mình biết hát Páo Dung nhưng chẳng có ai muốn học cả, tuổi của bà ngày một già đi những câu hát Páo Dung dường như cũng dần đi vào quyên lãng, có chăng những câu hát Páo Dung chỉ còn được sử dụng rất ít trong các nghi lễ cấp sắc mà thôi.Thời gian cứ trôi đi với bao nỗi niềm trăn trở về di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cảm xúc vui sướng khi năm 2020, Hát Páo Dung của người dân tộc Dao Tiền được nhà nước phong tặng là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Niềm vui văn hóa truyền thống dân tộc như được sống lại. Từ sâu thẳm trái tim mình ông Vình, bà Kim, luôn trăn trở tìm mọi cách để trao truyền cái vốn quý của ông cha đã bao đời để  lại. Được sự giúp sức của ngành văn hóa Câu lạc bộ hát Páo Dung thôn Nà Hin đã được thành lập năm 2020, Ông Vình vui lắm vì ước nguyện của mình cũng đã được thực hiện để truyền lại cho lớp trẻ. Thế nhưng ngày qua ngày từ khi thành lập đến nay câu lạc bộ chưa hoạt động được buổi nào, trong tâm khảm của ông Vình lại chất chứa bao nỗi buồn; ông Bàn Văn Vình tâm sự: “Đêm ngủ nghĩ nhiều lắm, sau này Páo Dung mai một đi tiếc lắm, ông mà không dạy thì ai dạy cho, cái này còn quý hơn vàng, vàng còn mua được, còn làn điệu hát Páo Dung thì biết mua ở đâu”.

 Ông Nông Văn Bình – Chủ tịch UBND xã Quang thuận cho biết:” Hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn duy nhất cụ Bàn Văn Vình biết hát, biết sáng tác và lưu giữ được nhiều bài hát Páo Dung, chúng tôi rất lo lắng về sự mai một của làn điệu này, lớp trẻ bây giờ thì không ai muốn học cả. Đây cũng là điều mà chúng tôi rất trăn trở làm sao để bảo tồn được di sản phi vật thể này”.

 Với ông Vình thì những những cuốn sách được ông giữ gìn cũng đã ngả màu vì thời gian, vừa là tài sản tinh thần vô giá lại vừa là chứng nhân những kỷ niệm khốn khó giữa ông với vợ, người con gái Dao Tiền xinh đẹp luôn ủng hộ đồng hành cùng chồng trên suốt chặng đường dài đã qua. Cuộc sống nghèo khó không còn là chuyện bận tâm nhiều nữa, tình yêu văn hóa dân tộc đã đưa vợ chồng ông Vình vượt lên mọi thứ danh lợi vật chất để giữ lại văn hóa dân tộc trường tồn theo thời gian.  Ngày nay có ai đến thôn Phiêng An, thôn Bản Chiêng gặp gỡ các nghệ nhân già như ông Vình, Bà Kim để chia sẻ nỗi niềm chung dường như đơn độc ấy, để đêm về lắng nghe những làn điệu Páo Dung bình dị, mộc mạc mà hàm chứa nỗi buồn trăn trở như một lời cầu cứu giữ núi rừng hùng vĩ ./.

Đào Kiên