CHUYỆN GIEO CHỮ TẠI PHÂN TRƯỜNG NÀ LỒM

Để đem ‘con chữ’ đến cho các em học sinh vùng cao, hàng nghìn giáo viên cắm bản đã hy sinh tuổi trẻ, đời sống tinh thần, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, thậm chí nhường cơm sẻ áo, đồng hành với học sinh. Không thể không kể đến các thầy cô giáo đang bám bản tại phân trường Nà Lồm xã Đôn Phong

Thầy giáo Đàm Văn Khởi đang dạy lớp ghép trình độ lớp 3 và lớp 4

Cách trung tâm xã khoảng 12 km. Nà Lồm theo tiếng địa phương thì gọi là ruộng gió, nơi đây quanh năm lộng gió với những thửa ruộng bậc thang rất đẹp mắt. Chúng tôi đến phân trường Nà Lồm vào lúc các em đang miệt mài trong giờ học. Tiếng thầy giáo dạy học vang xa khiến tôi thấy vui lây. Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ thầy giáo Đàm Văn Khởi chia sẻ: “Sự cảm thông với đồng bào và tâm huyết với nghề là động  lực giúp thầy gắn bó với sự nghiệp trồng người ở các  bản vùng cao.” Thầy Khởi đã có hơn 15 năm công tác tại các phân trường, thầy đã đi khắp từng nhà dân bản để vận động, đưa học sinh đi học. Hiểu phong tục, tập quán của bà con, thầy Khởi luôn có những cách vận động học sinh đến trường; Thầy luôn nói với các em học sinh là: học để có cơ hội thoát nghèo, học để sau này biết chăn nuôi con trâu, con bò, trồng lúa, ngô sao cho có năng suất cao…Những phân tích thiết thực ấy giúp bà con dân bản dễ hiểu và đồng ý cho con đến trường. Chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ thầy Khởi tâm sự: Các em ở đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đến lớp các em phải đi bộ vượt rừng, có em đến lớp bị vắt rừng cắn vào chân, đến giữa buổi con vắt cắn no và rơi ra mới biết. Thấy cảnh đó, tôi thấy thương các em nhiều hơn”

Điểm trường Nà Lồm có 04 lớp học, trong đó có 01 lớp ghép trình độ lớp 3 và lớp 4, với 46 học sinh. Dù là những giáo viên từ địa phương khác lên dạy, nhưng với tấm lòng của mình, các thầy cô giáo ở điểm trường Nà Lồm luôn mang suy nghĩ, mình vất vả thật nhưng không có những người như mình, những em thơ ở đây sẽ không có ngày mai.  Cô giáo Đinh Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Ở Nà Lồm dù có điện nhưng không có sóng điện thoại, chỉ có 01 máy chiếu dành cho học sinh lớp 1 nên việc dạy sách giáo khoa mới, chương trình mới cho học sinh lớp 2 gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, tôi mang máy tính cá nhân cho các em xem bài hoặc phô tô tranh ảnh giúp học sinh tiếp thu bài học trực quan hơn”.

Đáp lại tình thương, sự quan tâm chăm sóc của các thầy giáo, các em học sinh nơi đây đều rất chăm ngoan, chịu khó. Mặc dù nằm ngay giữa trung tâm thôn,  nhưng các em nhỏ từ mẫu giáo, lớp 1 đến lớp 5 mỗi ngày phải cuốc bộ 5 – 7 km ra điểm trường Nà Lồm để học cái chữ. Trong hành trang đến trường của các em ngoài sách vở, bút còn có những nắm cơm, rau rừng và ít muối trắng. Ấy vậy mà ngày nắng cũng như ngày mưa gió rét các em vẫn đúng giờ có mặt tại lớp học.

Nhiều năm gắn bó tâm huyết với mảnh đất gian khó và những lớp học thân thương, khó lòng có thể kể hết được những vất vả, nhọc nhằn mà các thầy, các cô đã phải trải qua. Nhưng với thầy Khởi, cô Tâm cũng như nhiều cô giáo sẵn sàng ở nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa này, đều nỗ lực vì một mơ ước, mong sao các em học sinh đều được tới trường, được học tập, để có một tương lai sáng ngời, một cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc. Và hơn hết đó chính là lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp họ trụ vững và “chèo đò” miệt mài cùng năm tháng./.

 Đào Kiên