Không điện, không đường, đặc biệt là vào mùa mưa và không đất sản xuất đã làm cho 30 hộ gia đình dân tộc Dao ở thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông mãi vẫn quẩn quanh với cái đói, cái nghèo suốt nhiều năm qua. Để bứt phá vươn lên, có lẽ sẽ phải cần đến sự hỗ trợ, đầu tư đồng bộ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương để giúp người dân ở Lủng Lầu từng bước xóa đói, giảm nghèo, thoát khỏi hai từ “ba không”
Cách trung tâm huyện Bạch Thông chừng 50 km, thế nhưng phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ để vượt qua 10 cây số vào thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong ở cung đường chỉ có thể đi lên, mà không có đi xuống bởi những hòn đá sỏi lộ thiên như muối níu chân bất kỳ ai muốn qua đây. Thôn Lủng Lầu được chia làm hai khu, mỗi khu cách nhau chừng gần 2 giờ đi bộ. Trong ngôi nhà tuềnh toàng, mưa thì dột, nắng thì xuyên thấu từ đằng trước qua đằng sau, cả căn nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá ngoài cái nồi để nấu cơm, khuôn mặt nhem nhuốc, ngơ ngác hai đứa trẻ con chị Hoàng Mùi Nhây, một đứa lên lớp 2, một đứa năm nay lên lớp 1 những chỉ vẻn vẹn có hai quyển vở đã nhàu nát, nhưng có lẽ, đây sẽ là tài quý nhất trong năm học này. Chị Hoàng Mùi Nhây –Thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong : “Không có xe máy, xe đạp nên tôi phải dắt các con đi bộ đến trường, vất vả lắm” .
Cuộc sống khó khăn phải lo ăn từng bữa, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hơn 70% người dân Lùng Lầu không biết chữ. Thôn có 30 hộ, thì 100% hộ dân đều là hộ nghèo. Những năm trước đây bà con thôn Lủng Lầu đã được nhà nước hỗ trợ cây con giống, để người dân trồng như cây chè Shan tuyết, cây quýt ăn quả. Tuy nhiên, do khí hậu khắc nghiệt, thiếu kiến thức KHKT, thêm vào đó là giao thông cách trở, không có tư thương vào mua nông sản nên hàng hóa làm ra chỉ tự cung, tự cấp. Gia đình chị Triệu Thị Nhất có 5 miệng ăn cũng chỉ trông chờ vào mấy thửa ruộng bậc thang, là lao động chính trong nhà, dù sinh năm 1989 nhưng trông chị hằn nỗi nhọc nhằn, lam lũ, kham khổ cuộc đời. Chị Triệu Thị Nhất – Thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong : “Gia đình tôi rất mong được nhà nước hỗ trợ, năm ngoái nhà tôi được hỗ trợ 15 triệu mua trâu, năm nay đã đẻ ra con nghé”.
Là thôn có địa hình phức tạp, giao thông cách trở đặc biệt vào mùa mưa lũ, do vậy hiện nay thôn Lủng Lầu vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Người dân chỉ tận dụng khe suối để lắp những chiếc máy phát điện mi ni, tuy nhiên còn phụ thuộc vào thời tiết. Khó khăn về điện không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, lao động phát triển sản xuất mà ngay cả các cháu học sinh, những “búp măng non” tương lai của địa phương, của đất nước cũng chưa một lần được học bài dưới ánh điện đủ sáng.
Có lẽ thiếu điện lưới quốc gia và đường giao thông vẫn chưa phải rào cản lớn đối với người dân thôn Lủng Lầu. Thiếu đất sản xuất mới là nguyên nhân chính. Với hơn 303 ha rừng nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ, người dân ở đây mở mắt ra là thấy rừng, bước chân khỏi cầu thang nhà sàn là chạm vào đất rừng nhưng cái đói, cái nghèo chưa bao giơ thôi đeo bám người dân nơi đây. Đồng chí Triệu Thị Nguyệt – Bí Thư Chi Bộ Thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong cho biết: “Chúng tôi ở đây vất vả lắm, muốn phát triển kinh tế mà không có đất, toàn bộ đất là rừng phòng hộ nên mãi không thoát nghèo được”.
Hai khu ruộng lúa nước với diện tích chưa đầy 5 ha này là toàn bộ diện tích sản xuất lúa của 30 hộ dân thôn Lủng Lầu, không hệ thống thủy lợi lại nằm trong rốn nước của rừng nên việc canh tác lúa gần như đánh cược với trời. Chị Triệu Thị Nhất – Thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong chia sẻ: “Năm nào không mất mùa thì tạm đủ ăn, còn năm nào mất mùa thì đói, nhà nước phải hỗ trợ cứu đói 3,4 tháng”.
Ở giữa rừng nhưng không có một tấc đất rừng để sản xuất, không nghề phụ, những hạ tầng dân sinh thiết yếu như điện, đường, nước sạch cũng không. Nên một lẽ tất yếu những thanh niên trong độ tuổi lao động phải đi làm ăn xa tại các công ty, trong thôn chỉ còn lại người già, trẻ em, người tàn tật. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi nhưng những áng mây đen ôm lấy cánh rừng và cái nghèo vẫn như một người đồng hành dai dẳng. Ông Triệu Văn Bảo, Thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong cho biết: “Ngày trước còn có rẫy ót để nuôi trâu, bò, nhưng nay nhà nước cấm không cho phát rồi nên không có chỗ chăn thả, giờ không nuôi được nữa, khổ lắm” .
Năm 2013 dự án trồng rừng 147 được đưa về xã, và thôn Lủng Lầu được giao 26 ha đất rừng để quản lý và trồng cây mỡ. Tuy nhiên, theo người dân thì 26 ha vẫn là quá ít bởi đường xá đi lại khó khăn nếu được khai thác thì hiệu quả kinh tế cũng không cao. Người dân muốn có đất để trồng các loại cây ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao thì mới có cơ hội để thoát nghèo. Có một thực tế đang tồn tại mâu thuẫn giữa nghĩa vụ và lợi ích của cộng đồng dân cư sống trong vùng rừng phòng hộ với các quy định bảo vệ rừng của nhà nước. Phân loại rừng phòng hộ là một một chính sách đúng đắn để bảo vệ sự đa dạng và toàn vẹn của hệ sinh thái bảo vệ môi trường sống của con người nhưng những bất cập hiện nay vô hình chung đã làm cho cuộc sống của người dân nằm trong vùng rừng phòng hộ ngày một khó khăn và áp lực hơn. Anh Hoàng Văn Kiều – Trưởng thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong cho biết: “Mong muốn của người dân trong thôn muốn nhà nước cấp đất cho để người dân phát triển kinh tế và cấp sổ đỏ để người dân có thể khai thác được gỗ rừng trồng, như bây giờ chỉ được khai thác 30% nên được ít quá.”. Bữa cơm đạm bạc của gia đình bà Man vẫn bên bếp lửa như bao ngày, những lo toan vất vả ngưng lại bên bếp lửa nhà sàn. Sinh ra đã thấy rừng, lớn lên với rừng, ông bà gặp nhau rồi lấy nhau sinh con cũng gắn bó với cánh rừng này.Tận mắt chứng kiến những khó khăn của người dân Lủng Lầu, chúng tôi thêm phần trăn trở về cuộc sống và cái nghèo của bà con nơi đây. Mang nỗi trăn trở ấy, chúng tôi có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Đức Thuận – Bí Thư đảng ủy xã Đôn Phong được biết: “Đối với xã, chúng tôi tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện đưa các dự án vào thôn, trong đó có dự án chăn nuôi trâu bò theo cách bán chăn thả, chăn nuôi đặc sản của địa phương; chồng cây hồi và kiến nghị với cấp trên cụ thể là Công ty Lâm trường xem xét giao các khu đất bằng phẳng cho người dân để người dân canh tác”.
2. Toàn bộ diện tích trồng lúa nước phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết
Những năm qua, mặc dù chính quyền huyện Bạch Thông đã vận dụng nhiều nguồn lực để đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, trong đó có Lủng Lầu. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề “nhiều không” ở đây đang rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt là các chính sách của cấp trên. Chia tay thôn Lủng Lầu, nỗi niềm trăn trở thoát nghèo của người dân nơi đây quả thật còn lắm gian nan. Nhưng nếu sớm được quan tâm đầu tư, có đường đi lại thuận tiện, có điện lưới quốc gia… tin tưởng rằng, cùng với tinh thần đoàn kết vượt khó của Nhân dân, chắc chắn cuộc sống của người dân nơi đây sẽ có nhiều sự đổi thay./.
T/h: Đào Kiên – Thanh Tuyền
Trích ảnh: 1. Toàn cảnh thôn Lủng Lầu xã Đôn Phong