Có nhiều dịp được đi đến với thôn, bản vùng sâu, vùng xa của huyện chúng tôi đã được gặp nhiều cán bộ thôn trẻ tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm với công việc, được người dân tin tưởng gọi với các tên thân mật: “Người vác tù và hàng tổng”.
Sinh năm 1987, nhưng anh Triệu Văn Hữu – Trưởng thôn Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh đã có thâm niên 10 năm làm trưởng thôn. Anh Hữu chia sẻ làm trưởng thôn có nhiều khó khăn vất vả nhất là đối với thôn vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn như thôn Thôm Ưng. Hàng tuần anh đều phải vượt đường rừng gần chục km để đến xã họp, kịp thời nắm bắt các chủ trương của Đảng, Nhà nước để tuyên truyền đến với người dân trong thôn. Ngoài ra, do thôn không có sóng điện thoại nên mỗi lần thôn có công việc gì anh lại phải đi đến từng nhà để thông báo.
Anh Triệu Văn Hữu – Trưởng thôn Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh chia sẻ thêm: “ Đường giao thông đi lại rất khó khăn, lại xa nên mỗi lần, em có việc phải xuống trung tâm xã như giao ban, hội họp, hoặc có công việc phải ra thành phố Bắc Kạn mà gặp đúng hôm trời mưa, là cứ phải có đôi ủng và xe phải quấn xích mới đi được”.
Khó khăn vất vả là vậy, nhưng vì trách nhiệm với bà con trong thôn, anh luôn tâm niệm phải làm thật tốt, để cuộc sống bà con trong thôn bớt khó khăn. Thường xuyên đến từng hộ gia đình và các buổi họp thôn tuyên truyền người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao vào gieo trồng. Vận động người dân trong thôn thực hiện kế hoạch hóa gia đình, do vậy 15 năm liên tục thôn không còn gia đình nào sinh con thứ ba, không có tình trạng học sinh bỏ học. Vận động người dân trong thôn luôn đoàn kết, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; Chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, không vi phạm pháp luật…
Anh Triệu Văn Hữu – Trưởng thôn Thôm Ưng (Người ngồi giữa) tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại hộ gia đình
Vượt gần 20 cây số từ trung tâm xã Đôn Phong, phải mất gần hai tiếng đồng hồ đi xe máy. Qua gần chục con dốc cao và khe suối, với nhiều vực sâu, nhiều đoạn đường đất gồ ghề, đường trơn trượt chúng tôi mới đến được thôn Lủng Lầu. Gặp Bí thư Chi bộ trẻ Triệu Thị Nguyệt, người cũng đã có thâm niên gần chục năm làm Bí thư Chi bộ. Chị Nguyệt cho biết, thôn Lủng Lầu hiện có hơn 40 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Địa bàn chia cắt, thôn chia làm hai khu tách biệt cách xa nhau, đường giao thông đi lại khó khăn, đất nông nghiệp ít, trình độ dân trí còn thấp nên đại bộ phận người dân trong thôn đều là hộ nghèo. Chị Triệu Thị Nguyệt – Bí thư Chi bộ thông Lủng Lầu chia sẻ thêm: “Đời sống kinh tế, trình độ người dân trong thôn còn nhiều hạn chế nên việc tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện các phong trào do địa phương phát động cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì tôi đã cùng với Ban công tác Mặt trận thôn thường xuyên thăm nắm, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, tích phát triển kinh tế, hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp tiền và hàng trăm ngày công để mở rộng và sửa chữa đường giao thông, xây dựng nhà họp thôn …”.
Chị Triệu Thị Nguyệt – Bí thư Chi bộ thông Lủng Lầu ( Áo đỏ) đi thăm nắm đời sống của người dân trong thôn
Anh Triệu Văn Hữu – Trưởng thôn Thôm Ưng, xã Mỹ Thanh và chị Triệu Thị Nguyệt – Bí thư Chi bộ thông Lủng Lầu, xã Đôn Phong chỉ là 2 trong số rất nhiều cán bộ thôn mang trọng trách “vác tù và hàng tổng” mà chúng tôi đã có dịp gặp. Mặc dù công việc nhiều, trách nhiệm cao, địa bàn bàn cách xã trung tâm xã thôn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại, đường giao thông đi lại rất khó khăn, trong khi số tiền phụ cấp ít, nhưng với lòng nhiệt tình, trách nhiệm, họ vẫn luôn hết lòng, tận tụy vì công việc, với mong muốn góp sức xây dựng thôn, bản, đưa cuộc sống của người dân trong thôn từng bước thoát nghèo./.
Thanh Tuyền-Trung tâm VH,TT&TT huyện